Tìm hiểu Metaphysics Là Gì – Metaphysical /Metaphysics Có Nghĩa Là Gì là chủ đề trong content hiện tại của Mỹ phẩm Nga Hàn. Theo dõi nội dung để biết đầy đủ nhé.
Con người luôn ngạc nhiên về nguồn gốc vũ trụ. Con người làm việc liên tục, đi tìm một sự giải thích về vũ trụ – một thứ giải thích gọi được là tối hậu và phổ quát, hoặc bao trùm tất cả. Qua dòng lịch sử, đã khai sinh nhiều trường phái. Một số trường phái coi nền tảng cơ bản của thực tại chính là một yếu tố đặc thù gắn liền với thực tại đó, ví dụ vật chất, tinh thần, tư tưởng hay chuyển động, và như vậy cũng có nghĩa rằng mọi sự trong vũ trụ đều nảy sinh từ yếu tố đó. Số khác lại thừa nhận sự hiện hữu của một Nguyên Lý siêu việt, vốn làm nên vũ trụ mà không phải là thành phần của vũ trụ. Một số nhà tư tưởng lại đề cập đến sự hiện diện của một nguồn gốc vũ trụ, đang khi những người khác lại cho rằng vũ trụ đến từ hai hoặc nhiều nguồn. Những vấn đề trên không thuần túy là suy lý; trái lại, chúng ảnh hưởng rất nhiều lên đời sống con người. Vì đương nhiên có sự khác biệt giữa một bên là người tin rằng mọi sự – kể cả chính anh ta – phát sinh từ vật chất ù lì và quay về với vật chất – và bên kia là người tin rằng mình được Thiên Chúa tạo dựng, Ngài đưa anh ta từ hư vô sang hiện hữu. Khởi đầu, việc nghiên cứu những vấn đề trên tạo nên một bộ tri thức gọi là triết lý, minh triết, hoặc khoa học. Sau này, để tránh lẫn lộn với nhiều khoa học đặc thù khác, khoa học nói trên được gọi là Siêu hình học. 1. KHÁI NIỆM SIÊU HÌNH HỌC
Ta có thể định nghĩa Siêu hình học là việc nghiên cứu căn nguyên tối hậu, những nguyên lý đầu tiên và phổ quát nhất của thực tại.
Bạn đang xem: Metaphysics là gì
a. Căn nguyên tối hậu khác biệt với những căn nguyên gần. Ví dụ, việc tăng áp suất không khí là căn nguyên cho việc thay đổi khí hậu; quả tim là cơ quan khiến cho máu lưu thông. Việc nghiên cứu những căn nguyên nói trên thuộc về những khoa học đặc thù. Trái lại, những căn nguyên tối hậu có ảnh hưởng trên một khung cảnh, ví dụ như một nhà lãnh đạo chính trị ảnh hưởng lên toàn thể đất nước của ông, hay ước muốn của một con người đi tìm hạnh phúc đối với toàn thể hoạt động nhân linh của anh ta. Khoa Siêu hình học xét đến căn nguyên tối hậu tuyệt đối của vũ trụ. Nó cố gắng tìm ra căn nguyên đó, nghiên cứu về bản chất và hoạt động của căn nguyên nói trên, và vì Thiên Chúa là căn nguyên tối hậu của mọi sự, nên hiển nhiên Ngài cũng là chủ đề chính yếu của Siêu hình học.
b. Siêu hình học cũng nghiên cứu những nguyên lý đầu tiên và phổ quát nhất của thực tại. Bên cạnh những căn nguyên ảnh hưởng lên những hiệu quả của chúng ở bên ngoài, còn có những yếu tố nội tại nơi chính các hiệu quả, kiến tạo nên chúng và ảnh hưởng đến cách thức hiện hữu và hoạt động của chúng. Các yếu tố đó thường được gọi là các nguyên lý; chẳng hạn, những nguyên tử là các nguyên lý nhất định cho phân tử, xác định bản chất và những đặc điểm của các phân tử; nơi các sinh thể, các tế bào hoạt động như những nguyên lý cho cơ thể. Nhưng Siêu hình học đi tìm những nguyên lý đầu tiên và phổ quát nhất, tức là những nguyên lý mà về cơ bản tạo nên mọi sự. Bất cứ ai xét một điều gì như nguyên lý nội tại đầu tiên của mọi sự, người đó đã đề cập đến lãnh vực siêu hình.
2. SIÊU HÌNH HỌC NHƯ KHOA HỌC VỀ HỮU THỂ XÉT NHƯ HỮU THỂ
Mỗi khoa học đều có đối tượng nghiên cứu riêng vốn là một khía cạnh của thực tại mà nó lưu ý đến. Chẳng hạn, sinh vật học nghiên cứu thế giới các sinh thể, toán học nghiên cứu những khía cạnh lượng tính của sự vật.
Ta cần phân biệt đối tượng chất liệu (material object) với đối tượng hình thế (formal object) của một khoa học; điều trước được coi là “chủ đề” của một khoa học vì nó là tổng số những gì được nghiên cứu, đang khi điều sau là khía cạnh của đối tượng chất liệu mà khoa học chú ý đến. Chẳng hạn đối tượng chất liệu của sinh học là tất cả mọi sinh thể, nhưng đối tượng hình thế của nó lại giới hạn đối tượng nghiên cứu, vì khoa học này chỉ diễn tiến việc nghiên cứu từ khởi điểm là sự sống. Tương tự thế, đối tượng chất liệu của y học là cơ thể con người, nhưng đối tượng hình thế của nó là cơ thể con người trong mức độ đó là chủ thể của sức khỏe hoặc bệnh tật. Siêu hình học nghiên cứu hữu thể xét như hữu thể, những đặc điểm và căn nguyên của hữu thể.
Các khoa học đặc thù có đối tượng nghiên cứu là một số khía cạnh chuyên biệt của thực tại. Tuy nhiên, cần có một khoa học nào khác nghiên cứu toàn bộ thực tại bằng cách chú trọng đến khía cạnh chung nhất của mọi sự: đó là, mọi sự đều “hiện hữu”, nó là “thực”. Khía cạnh chung đó được giả thiết bởi bất cứ loại tri giác đặc thù nào. Chẳng hạn khi một nhà thực vật học nghiên cứu và xếp loại các loài, ông ta biết rằng “có những cây”, biết rằng chúng là “những hữu thể”; khái niệm hữu thể hiện đến trước bất cứ khái niệm về một loài thực vật nào. Ta cần giải thích việc đó như sau: i) Hữu thể: đây là một thuật ngữ siêu hình tương đương với điều được gọi là “sự vật” (thing) trong ngôn ngữ thông thường. Hữu thể ám chỉ “thứ gì có”, hay một điều gì đó có việc hiện hữu (hiện thế hiện hữu = act of being). Một cây là một hữu thể, giống như một con chim, một người, một viên kim cương đều là hữu thể; nhưng đang khi từ ngữ “con chim” nói đến một bản chất đặc thù hay một cách thức hiện hữu, thì hữu thể lại diễn tả sự kiện là có con chim (Ens, L.t – Being). ii) Xét như hữu thể: trong cuốn giải thích sách Siêu hình học của Aristotle, Thánh Thomas Aquinas đã nói: “Những khoa học khác, vốn liên hệ đến những hữu thể đặc thù, cũng xét đến hữu thể (vì mọi đối tượng nghiên cứu của các khoa học cũng đều là hữu thể); tuy nhiên, chúng không nghiên cứu hữu thể xét như hữu thể, mà chỉ như một loại hữu thể đặc thù nào đó, ví dụ, con số hay hàng kẻ, ngọn lửa hay thứ gì tương tự1. Vì thế, có thể nói rằng đối tượng chất liệu (đối tượng chung) của Siêu hình học là thực tại trong toàn tính của nó, vì mọi sự vật, bất kể bản tính ra sao – đều là hữu thể. Mặt khác, đối tượng hình thế (đối tượng riêng) của nó là “hữu thể xét như hữu thể” (being as being) hoặc “hữu thể xét nguyên nó là thế” (being as such). Nói rằng đối tượng chất liệu của Siêu hình học bao gồm tất cả thực tại, không có nghĩa rằng Siêu hình học là tổng số các khoa học đặc thù khác biệt nhau. Đó cũng không phải là sự tổng hợp mọi khoa học đặc thù (như chủ trương của một số triết gia phái thực chứng luận) (positivist philosophers). Siêu hình học là một khoa học riêng biệt, vì nó nghiên cứu một khía cạnh đặc thù của thực tại phù hợp với Siêu hình học, đồng thời cũng được các khoa học khác giả thiết – đó là sự hiện hữu của các sự vật. iii) Đặc điểm và căn nguyên của hữu thể: Khi chọn đối tượng nghiên cứu, mỗi khoa học phải nghiên cứu những đặc tính của đối tượng và tất cả những gì liên quan tới đối tượng bất cứ cách nào. Đang khi môn vật lý nghiên cứu kết quả của những đặc điểm vật lý nơi vật thể, chẳng hạn như khối lượng hoặc năng lượng của chúng, thì Siêu hình học nghiên cứu những đặc điểm của hữu thể theo mức độ chúng là những hữu thể. Vậy công việc của Siêu hình học cũng còn là khám phá những khía cạnh của hữu thể xét nguyên nó là thế (being as such) (ví dụ, “chân lý”), cũng như những khía cạnh không thuộc về hữu thể xét như hữu thể (chẳng hạn “vật chất” hay bản chất vật thể).
Hơn nữa, bất cứ khoa học nào cũng đều nghiên cứu một loại các sự vật riêng biệt và những căn nguyên riêng của chúng, vì tri thức không thể hoàn bị trừ phi nắm bắt được những căn nguyên. Do đó Siêu hình học phải nghiên cứu căn nguyên của mọi hữu thể trong mức độ chúng là hữu thể: điều này là một trong những phạm vi chính của Siêu hình học khi nghiên cứu đối tượng riêng của mình. Cũng như y khoa nghiên cứu những căn nguyên về sức khỏe thể lý (ví dụ việc dinh dưỡng, khí hậu, vệ sinh), thì Siêu hình học dẫn chúng ta đến căn nguyên việc hiện hữu nơi mọi sự vật – tức là Thượng Đế, xét như Đấng Tạo Hóa. Một khi đã tiến bộ trong việc hiểu biết những vấn đề siêu hình khác nhau, chúng ta sẽ càng thấy rõ là những đặc điểm cơ bản nhất của thế giới thực tế lệ thuộc vào chân lý nền tảng này là mọi vật đều hiện hữu: rằng chúng là những hữu thể. Việc hiện hữu là đặc điểm nền tảng nhất của mọi sự vật, vì mọi hoàn bị hay đặc tính của chúng, trước khi là một điều gì, thì trước hết phải hiện hữu đã. Đây là điều kiện sơ yếu mà mọi vật đều phải lệ thuộc vào. Vì Siêu hình học là khoa học đi tìm yếu tố căn bản nhất của thực tại, nên nhất thiết nó phải nhắm đến việc hiện hữu như đối tượng nghiên cứu nền tảng của mình. Một vài trường phái tư tưởng triết học đã chọn những khía cạnh khác của thực tại như đối tượng của Siêu hình học. Chẳng hạn, “thuyết duy sinh” (vitalism) coi sự sống là đối tượng; “thuyết hiện sinh” (existentialism) lại coi đó là cuộc hiện sinh của con người; “thuyết duy tâm” (idealism) coi đó là tư tưởng con người; “thuyết duy sử” (historicism) lại coi đó là tiến bộ của lịch sử. Kant chủ trương các điều kiện của tri thức khoa học như đối tượng triết học của ông (“criticism”). Tuy nhiên, tất cả những triết gia này không bao giờ tránh khỏi được việc nghiên cứu về hữu thể; điều họ làm là giới hạn hữu thể vào một đối tượng đặc thù và hạn chế nào đó.
Nguồn gốc lịch sử của khoa học về hữu thể
Kể từ thời các triết gia đầu tiên, khoa học về hữu thể được hiểu như một tri thức phổ quát có mục tiêu là khám phá những yếu tố sơ yếu (primary elements) của thực tại. Tuy nhiên, yếu tố này luôn được đồng hóa với một yếu tố vật chất nào đó (như lửa, khí hoặc nước…), cho đến khi Parmenides lần đầu tiên nói đến hữu thể như khía cạnh nền tảng của thực tại. Ông nói: “hữu thể thì hiện hữu và vô thể thì không hiện hữu, đó là cách thức thuyết phục (vì nó đi theo Chân Lý)” (Fr. II. V.3). Tuy không hoàn toàn coi thường học thuyết của Parmenides, các triết gia về sau lại chú ý đến những khía cạnh triết lý khác. Tuy nhiên, khi Aristotle vào cuộc, thì hữu thể đã ưu tiên trở thành đối tượng của khoa Siêu hình học. Những danh hiệu gán cho khoa Siêu hình học
Siêu hình học được gán nhiều danh xưng, tùy theo những khía cạnh mà người ta muốn nhấn mạnh. Aristotle gọi đó là Đệ nhất Triết học, vì nó nghiên cứu những căn nguyên và nguyên lý đầu tiên của thực tại. Danh xưng này diễn tả xác đáng địa vị trung tâm của Siêu hình học trong triết học, và nó cũng khiến cho Siêu hình học khác biệt với những ngành tri thức khác mà Aristotle gọi là Đệ nhị Triết học. Siêu hình học là “đệ nhất” không phải vì nó có sớm về mặt biên niên. Nó là đệ nhất bởi vì có tính ưu tiên đương nhiên trong triết học xét như toàn khối, và trong tương quan với những khoa học khác.
Danh xưng bên ngôn ngữ Tây phương “Metaphysics” (mà cứ chữ có nghĩa là “vượt quá Vật lý (Physics)” đã được Andronicus người xứ Rhodes ghép vào để nói đến những tác phẩm của Aristotle về “Đệ nhất Triết học”, vì nó được xếp sau cuốn sách của Aristotle về vật lý. Danh xưng đó đã diễn tả đúng mức bản chất của khoa học này, vì nó vượt qua khung cảnh thực tại vật chất được nghiên cứu trong khoa vật lý. Sang thế kỷ XVII, Christian Wolff gọi môn học này là Ontology (Hữu thể luận), một thuật ngữ phát nguyên từ tiếng Hy lạp có nghĩa là “việc nghiên cứu về hữu thể”. Các triết gia duy lý ưa dùng thuật ngữ “Hữu thể luận” thay vì “Siêu hình học”. Dẫu sao, “Hữu thể luận” cũng diễn tả cùng một đối tượng của Siêu hình học.
3. SIÊU HÌNH HỌC VÀ TRI THỨC NHÂN LOẠI
Siêu hình học và tri thức tự phát
Mọi người đều có một tri thức tổng quát về thực tại, thủ đắc nhờ ánh sáng lý trí tự nhiên. Họ biết mình muốn nói gì khi đề cập đến “hữu thể”, “chân lý”, hay “thiện hảo”. Họ có một tri thức nào đó về bản chất con người, và về khác biệt giữa những thực tại “bản thể” và “phụ thể”. Hơn thế nữa, mọi người còn có thể nhận biết Thượng Đế là Đệ nhất Căn nguyên của vũ trụ, Đấng gìn giữ và hướng dẫn vạn sự đi đến cùng đích. Chúng ta gọi loại tri thức này là tri thức tự phát, cũng liên quan tới những đề tài được nghiên cứu bởi Siêu hình học. Điều này không có gì phải ngạc nhiên, vì con người tự nhiên có khuynh hướng tìm hiểu về vũ trụ, về vai trò của mình trong vũ trụ, nguồn gốc vũ trụ vv… Do đó, ta cũng dễ hiểu tại sao loại tri thức này được gọi là Siêu hình học tự phát hoặc Siêu hình học tự nhiên của trí tuệ con người2. Tuy nhiên, điều này không xóa bỏ nhu cầu về một khoa Siêu hình học được khai triển thành một khoa học, bởi nhiều lý do: vì tri thức tự phát thì thường không hoàn bị và thiếu chính xác; vì có lẽ nó không đủ chắc chắn và sáng tỏ trong một số khía cạnh; sau cùng, vì nó chịu ảnh hưởng bởi các ý thức hệ ưu thắng trong một số khung cảnh văn hóa, hoặc được nhiều người chấp nhận.
Ngoài ra, cần ghi nhận rằng những xác tín luân lý của mỗi con người đều có ảnh hưởng quyết định đến tri thức của người đó về các vấn đề Siêu hình học. Kinh nghiệm cho thấy rằng, một khi những cá nhân mất đi sự chín chắn về mặt luân lý, thì họ cũng mất luôn những xác tín trí thức nền tảng, do đó rơi vào thái độ hoài nghi trước chân lý. Chẳng hạn, họ bị dẫn đến thuyết vô tri liên quan đến tri thức mà người ta có về Thượng Đế, và bị dẫn đến thuyết tương đối liên quan đến những đòi hỏi của luật luân lý. Rốt cuộc, con người tự tôn mình như trung tâm của toàn thể vũ trụ. Đây chính là lý do tiềm ẩn đằng sau một số hệ thống triết học đối nghịch triệt để với chân lý, chẳng hạn thuyết Mác xít, thuyết vô tri, và thuyết duy tâm: những thuyết trên đều là những cơ cấu lý thuyết xây dựng trên một số thái độ cơ bản sai lạc đối với cuộc sống con người. Vì là một khoa học, Siêu hình học phần nào chịu ảnh hưởng bởi đời sống luân lý của các triết gia trong cuộc. Ảnh hưởng này càng rõ ràng trong những điểm chính mà các vấn đề kỹ thuật chuyên môn hơn tùy thuộc vào.
Vai trò dẫn dắt của Siêu hình học đối với các khoa học khác
Vì Siêu hình học bàn đến những vấn đề hết sức nền tảng của tri thức nhân loại, và vì đối tượng nghiên cứu của nó bao trùm lên toàn thể thực tại, nên đương nhiên các khoa học đặc thù, một cách nào đó, đều tùy thuộc vào Siêu hình học. Đối tượng nghiên cứu của mỗi khoa học đặc thù là một loại hữu thể đặc thù. Chính vì thế mà những nguyên lý siêu hình, những đặc điểm của hữu thể, và một số khái niệm nền tảng khác về thực tại cũng được phản ảnh cách nào đó trong khu vực nghiên cứu chuyên biệt của một khoa học đặc thù. Những nguyên lý đó được các khoa học đặc thù tiếp nhận và, dù không hiển nhiên được chúng khám phá, vẫn được các khoa học đó sử dụng khi cần thiết. Ví dụ, khi các nhà vật lý tiến hành thí nghiệm về năng lực của vật thể trong hoạt động lý hóa của chúng, họ đã sử dụng đến nguyên lý nhân quả, với tất cả những hàm ý của nguyên lý đó.
Trong nỗ lực tìm hiểu thấu đáo đối tượng nghiên cứu của mình, các nhà khoa học thực nghiệm thường quay về với các vấn đề triết học. Do đó ta không ngạc nhiên khi thấy một số nhà vật lý đương đại, như Heisenberg, Einstein, Planck, De Broglie, Bohr, và Schrodinger, cũng đã viết những thiên khảo luận về các đề tài Siêu hình học. Toan tính của những khoa học đặc thù muốn đạt sự độc lập tuyệt đối khỏi bất cứ tri thức siêu hình nào (đây là hậu quả của thuyết thực chứng) sẽ không bao giờ đạt được hoàn toàn.
Xem thêm: Penthouses Là Gì – Khái Niệm Cơ Bản Về Căn Hộ Penthouse
Như vậy có thể thấy rằng Siêu hình học giữ một vai trò dẫn dắt so với các khoa học đặc thù khác, vì nó là đỉnh điểm của tri thức nhân loại trong lãnh vực tự nhiên. Vai trò này được gọi đúng đắn là minh triết (sapiential), vì khôn ngoan (wisdom) có vai trò riêng là điều khiển tri thức và hoạt động của con người nhờ vào những nguyên lý đầu tiên và mục đích tối hậu của con người.
4. SIÊU HÌNH HỌC LIÊN QUAN THẾ NÀO ĐẾN ĐỨC TIN VÀ THẦN HỌC
Vượt ra ngoài và bên trên tri thức tự phát cũng như tri thức khoa học, còn có một thứ tri thức thuộc lãnh vực siêu nhiên. Tri thức này phát sinh từ Mặc Khải của Thiên Chúa. Đây là loại tri thức cao siêu, vì nó hoàn bị hóa mọi tri thức của nhân loại, hướng dẫn tri thức nhân loại đến mục tiêu siêu nhiên của con người.
Đức tin hỗ trợ Triết học
Một số chân lý siêu hình, cho dù có thể được con người nhận biết cách tự nhiên, vẫn được Thiên Chúa mặc khải. Bên cạnh việc bày tỏ những mầu nhiệm siêu nhiên cho con người, mặc khải của Thiên Chúa cũng còn cho con người nhận biết được những chân lý chủ lực tối hậu về vũ trụ, về con người, và về chính Thiên Chúa – những chân lý kiến tạo nên đối tượng nghiên cứu của Siêu hình học. Vì mắc tội nguyên tổ, con người thật khó mà biết được những chân lý trên là hết sức cần thiết cho đời sống luân lý – với một sự chắc chắn tuyệt đối, không chút sai lầm. Vì thế, Thiên Chúa đã mặc khải cho con người những chân lý như : tạo dựng mọi sự từ hư vô (ex nihilo), Thiên Chúa quan phòng, tính thiêng liêng và bất tử của linh hồn con người, sự hiện hữu và bản chất của một Thiên Chúa chân thật, luật luân lý và mục đích vĩnh cửu của con người, và thậm chí cả danh xưng riêng biệt của Thiên Chúa như Đấng Hằng Hữu (God as the Subsisting Act of Being: “I am who am”).
Với sự trợ giúp của Mặc Khải, Siêu hình học có được cú nhảy vọt ngoại thường, độc nhất vô nhị trong lịch sử tư tưởng loài người. Các Kitô hữu thời đầu thường ngạc nhiên trước sự kiện này là ngay một đứa trẻ học hỏi về những chân lý đức tin cách sơ sài cũng có được những câu trả lời sâu sắc và xác đáng trước những vấn đề lớn thách đố tâm trí con người, còn hơn cả những triết gia Hy lạp. Những tìm tòi của trí tuệ liên quan đến cái xấu, đau khổ của con người, sự chết, tự do, ý nghĩa cuộc sống, và sự thiện hảo của thế giới, đã có được những câu trả lời đầy đủ và triệt để nhờ đức tin Kitô giáo.
Nhờ những công trình của các Giáo phụ và Tiến sĩ Giáo hội, đã có tiến bộ không chỉ trong Thần học Kitô giáo, nhưng còn trong lối hiểu triết học về những chân lý tự nhiên đã được mặc khải. Sự khai triển này về sau được gọi là Triết học Kitô giáo: gọi là “Kitô giáo” không phải nhờ vào nội dung nội tại của nó cũng như cách thức chứng minh hợp lý vốn nằm ẩn trong phạm vi tự nhiên, nhưng đúng hơn là vì nó đã được khai triển dưới sự khởi hứng và dẫn dắt của đức tin Kitô giáo3.
Sự kiện các chân lý tự nhiên mà Siêu hình học nghiên cứu, đã được mặc khải, không hề khiến cho Siêu hình học là dư thừa trong tư cách một khoa học. Trái lại, điều đó càng thôi thúc Siêu hình học nhận biết sâu sắc hơn các chân lý đó, vì Thiên Chúa mặc khải các chân lý đó cốt để cho con người khám phá chúng sâu xa hơn nữa nhờ trí tuệ con người, và nhận được sự bồi dưỡng trí thức nhờ các chân lý đó.
Triết học phục vụ Đức tin
Như Lý trí phục vụ Đức tin, thì Siêu hình học cũng được dùng như một công cụ khoa học của Thần học. Một khi Siêu hình học đã được hoàn bị hóa nhờ sự hướng dẫn bởi Đức tin, thì nó lại trở thành một công cụ có giá trị để có thể hiểu tốt hơn nữa những mầu nhiệm siêu nhiên kiến tạo nên nội dung của khoa Thần học.
a) Tri thức thuộc lãnh vực siêu nhiên giả thiết tri thức thuộc lãnh vực tự nhiên. Lý do là vì ân sủng không thay thế tự nhiên, nhưng nâng cao tự nhiên. Chẳng hạn chính việc nghiên cứu ân sủng và những nhân đức phú bẩm, đòi ta phải biết rằng linh hồn con người là thiêng liêng, tự yếu tính là tự do và hướng về Thiên Chúa, Đấng là cùng đích của con người. Trong Kitô học, khi nói rằng Đức Giêsu Kitô là “người thật”, thì cũng đòi ta phải hiểu cho đúng thế nào là bản chất con người. Nếu hiểu tội lỗi về mặt thần học, ta cần phải biết đến những năng lực của con người, đặc biệt là ý chí và những đam mê, và phải có một tri thức đúng mức về bản chất điều thiện hảo và cái xấu. Sau cùng, đối với việc nghiên cứu Chúa Ba Ngôi và mầu nhiệm Nhập Thể, tri thức của ta về khái niệm bản tính và ngôi vị là điều kiện cần thiết. (Nơi Thiên Chúa, có ba ngôi vị Thiên Chúa với một bản tính Thiên Chúa; Đức Giêsu Kitô là một Ngôi Vị – Ngôi Vị Thiên Chúa trong hai bản tính, bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại). Hơn nữa, thật khó mà có được một tri thức đúng mức về những chân lý được Thiên Chúa mặc khải, nếu như trước đó không có một tri thức tự nhiên sâu sắc.
b) Một khi coi nhẹ tri thức siêu hình, Thần học sẽ không đạt đến tầm mức một khoa học, và rơi vào sai lầm cũng như hàm hồ. Một tri thức chỉ được coi là có tính khoa học khi nội dung của nó được diễn tả một cách có trật tự, căn cơ và chính xác, điều đó tạo nên một toàn khối gắn bó. Vì phải sử dụng đến tri thức tự nhiên về thực tại, nên Thần học trở nên một khoa học một khi tri thức đó tiên vàn được phong phú hóa bởi một khoa học dụng cụ, mà trong trường hợp này, chính là Siêu hình học. Siêu hình học đem lại một sự chính xác cần thiết để hiểu được ý nghĩa những thuật ngữ đến từ tri thức tự phát. Hơn nữa, những lối giải thích sai lầm về tín điều trong dòng lịch sử đã buộc Thần học phải đi tìm sự chính xác về thuật ngữ và khái niệm từ quan điểm Siêu hình học. Do đó, không thể nào bỏ qua những gì có được nhờ nỗ lực trên, mà lại không gặp nguy cơ rơi vào cũng những sai lầm trước đó. Ví dụ, những thuật ngữ như “biến đổi bản thể” (transubstantiation), “ngôi hiệp” (hypostatic union), và “chất liệu và hình thế của bí tích” (matter and form of the sacraments), thì không thể được thay thế dễ dàng, vì chúng diễn tả rõ ràng ý nghĩa xác thực của Đức tin, nhờ đó mà có thể tránh được những sai lầm về mặt Đức tin.
Ngoài ra, Siêu hình học là cần thiết để hiểu được những lối diễn tả tín điều được huấn quyền Giáo hội đề nghị. Thánh Giáo hoàng Piô X, trong thông điệp Doctoris Angelici (ngày 29 tháng 6 năm 1914) đã nói: “Nếu những nguyên lý đó (khoa Siêu hình học của thánh Thomas Aquinas) mà bị loại bỏ hay bị méo mó, thì nhất thiết dẫn đến hậu quả là những ai nghiên cứu các thánh khoa sẽ khó nắm bắt được ý nghĩa những ngôn từ đã được huấn quyền Giáo hội sử dụng để diễn tả những tín điều đã được Thiên Chúa mặc khải. Do đó, chúng tôi ước mong rằng mọi giáo sư triết học và thần học nên cảnh giác rằng nếu không đi theo bước đường của thánh Thomas, nhất là trong những vấn đề siêu hình, ắt sẽ gây ra những thiệt hại nặng nề”.
Sau cùng, chúng ta cũng phải ghi nhớ rằng những kinh Tin Kính sử dụng rất nhiều thuật ngữ chính xác, những thuật ngữ đó chỉ có thể hiểu được tốt hơn nhờ sự trợ giúp của tri thức Siêu hình học xét như dụng cụ.
Xem thêm: Sms Là Gì – Tìm Hiểu Về
SÁCH ĐỌC THÊM PLATO, Republic, V. 474b ff; VII, 514a ff. ARISTOTLE, Metaphysica, I, ch. 1-2; II, 1; VI, 1; XI, 3. SAINT THOMAS AQUINAS, In Metaph., Prooem; I, lect. 2; II, 2; III, 4-6; IV, 1,4 and 5; VI, 1; XI, 1, 3 and 7; In Boeth. De Trinitate, lect. 2, q.1. L. DE RAEYMAEKER, Filosofia del ser, Gredos, Madrid 1968.
Chuyên mục: Hỏi Đáp